Mẹ chồng bỗng kéo tôi vào tỉ tê trò chuyện: “Các con không thể cứ sống vậy mà không sinh đẻ. Hàng xóm láng giềng rồi sẽ cười chê bố mẹ. Mẹ có ý này con xem có thuận không. Nhân lúc em gái con chưa tái giá, hãy để nó gần gũi chồng con rồi sinh một đứa.
Vừa cưới hôm trước, hôm sau Hòa đã lên cơ quan. Thấy mọi người sửng sốt, cô nhấm nhẳng: “Mẹ chồng em không cho đi trăng mật”.
Tôi bị vô sinh, kết hôn đã hơn bốn năm vẫn chưa có nổi mụn con, dù chạy chữa khắp bốn phương vẫn không khỏi bệnh. Chồng tôi đã nói rõ mọi chuyện với mẹ chồng, khiến bà buồn bực, ức chế. Chỉ cần trông thấy hai đứa về nhà, bà lại lôi chuyện này ra than vãn rồi khấn vái đủ nơi. Thậm chí, mẹ tôi còn đi xem bói, nghe thầy phán năm sau tôi sẽ có tin vui. Tôi nhiều lần phải giải thích rằng nên tin vào khoa học hiện đại.
Hai vợ chồng tôi đã tính tới chuyện xin con nuôi, nhưng mẹ không đồng ý. Bà luôn đề cao chuyện duy trì huyết thống nên cho rằng, con nuôi không phải máu mủ ruột rà. Có lần, tôi nghe thấy bà xui khiến chồng tôi ly hôn rồi cưới vợ mới. Lúc ấy, trái tim tôi quặn thắt, bèn đem chuyện hỏi rõ chồng. Anh cũng thú nhận có chuyện ấy, nhưng một mực động viên vợ: “Em hãy tin anh, hãy tin vào tình cảm của chúng mình”.
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi thoát ly để làm ăn, cuộc sống còn bấp bênh. Nhà cửa chưa ra hồn, mỗi lần về quê lại phải nghe lời dằn hắt của mẹ chồng, tôi luôn cảm thấy nặng nề, ức chế. Biết chuyện, chồng hết mực an ủi, khuyên tôi không nên chấp bà. “Mẹ mình khẩu xà tâm phật, em đừng để tâm”, anh động viên.
Tôi cam chịu và cùng anh trải qua những ngày đắng cay ngọt bùi. Trong thâm tâm, tôi chưa một lần nghĩ anh sẽ nhạt phai tình cảm. Nhưng bố mẹ chồng ở quê thì đứng ngồi không yên. Họ mong mỏi có cháu bế bồng và kế thừa hương hỏa. Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà. Chị gái lớn đã xuất giá. Mãi tới năm 35 tuổi, mẹ mới sinh anh. Trước chồng tôi còn một người anh trai, nhưng tới năm lên ba thì qua đời. Vì vậy, với gia đình, anh là báu vật trời ban, ai cũng cưng nựng, nuông chiều. Người chị gái lớn hơn anh 8 tuổi tới giờ vẫn xem em trai như một cậu bé cần chăm chút. Vậy nên, tôi trong mắt họ chỉ là một nàng dâu đơn thuần, không được trọng vọng, quan tâm. Cũng vì lẽ ấy mà vợ chồng tôi mới phải bôn ba bên ngoài kiếm sống, bởi chăng ai dại dột bỏ chốn nhàn rỗi quê nhà để vất vả tha hương.
Tôi có một đứa em gái, kém mình một tuổi. Hai chị em kết hôn cùng năm. Tôi cưới tháng hai, nó lấy chồng tháng 12 âm lịch. Năm ngoái, em gái tôi ly hôn vì không chịu nổi quan hệ mẹ chồng nàng dâu và những trận đòn của chồng. Nó sinh được một bé gái, tròn tuổi rưỡi. Khi ly hôn, em tôi để con cho nhà nội nuôi dưỡng. Bố mẹ tôi cũng khuyên nó không nên vò võ chăm con một mình, khiến chuyện tái giá gặp trắc trở. Hiện giờ, em gái tôi ở cùng cha mẹ.
Dịp hè vừa qua, vợ chồng tôi về nhà ở độ nửa tháng. Mẹ chồng bỗng kéo tôi vào tỉ tê trò chuyện: “Các con không thể cứ sống vậy mà không sinh đẻ. Hàng xóm láng giềng rồi sẽ cười chê bố mẹ. Mẹ có ý này con xem có thuận không. Nhân lúc em gái con chưa tái giá, hãy để nó gần gũi chồng con rồi sinh một đứa. Ba đứa hãy tạm lánh tới nơi nào ít người quen biết trong vòng một năm. Sinh con xong lại về. Khi đó, đứa trẻ lớn lên sẽ vẫn giống con. Chẳng ai nghi ngờ. Hai chị em đều cùng huyết thống, vẻ ngoài cũng hao hao, miễn sao đứa trẻ là máu mủ của chồng”, bà cứ thế thao thao bất tuyệt.
Mẹ chồng còn khuyên nên nhẹ nhàng thuyết phục em gái, nếu nó cần tiền, nhà chồng tôi sẽ lo liệu. Bà nói, theo giá hiện nay, để chăm sóc một bé trai mới sinh, tiền thù lao vào khoảng 20.000 NDT (tương đương 66 triệu đồng). Khoản tiền ấy, bà sẽ tận tay đưa cho em tôi. Nếu còn chê ít, vợ chồng tôi cố lo liệu thêm. “Chỉ cần con đồng ý bàn bạc với em, chuyện này chắc chắn thành công”, mẹ nói như đinh đóng cột.
Nghe xong những lời ấy, tôi giận sôi trong lòng, bèn thẳng thắn bộc bạch suy nghĩ với bà: “Mẹ thật khéo nghĩ. Kể cả em gái có đồng ý thì con cũng không bao giờ chấp nhận chuyện này!”.
“Nếu không thuận, thì ly hôn đi”, bà sẵng giọng.
“Nếu có ly hôn cũng không phải do mẹ quyết định”, tôi cãi lại. Không kìm nén nổi, tôi bật khóc nức nở, chạy vội ra ngoài. Chồng tôi đi vào trông thấy, bèn túm lại hỏi han. Tôi kể hết mọi chuyện với anh. Lúc này, chồng tôi mới thành thật: “Hôm qua, mẹ cũng bàn với anh như vậy. Mẹ thật phi lý. Đừng để ý tới bà. Nếu không chữa khỏi, chúng ta đi thụ tinh ống nghiệm”. Nghe những lời ấy, tôi thấy ấm lòng. Anh thực sự là người đàn ông có trái tim rộng mở. Anh biết đứng về phía vợ đúng lúc. Hôm ấy, tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc đích thực. Tôi hiểu rằng, mình đã không chọn nhầm người. Tôi sẽ nghe lời anh. Quan trọng hơn cả là hai vợ chồng dành cho nhau tình yêu đích thực.
Theo Báo Đất Việt