Lo âu là tình trạng bệnh nhân có tâm lý: luôn lo sợ, cho rằng có một điềm xấu đang tới; về cơ thể: ngoài cảm giác hụt hơi còn có dấu hiệu tim đập nhanh, hồi hộp, dễ nổi nóng, chóng mặt, khó ngủ, cảm giác có cục gì đó trong cổ họng…
– Ngoại tâm thu tức tim có những nhịp đập sớm hơn bình thường. Khi gặp điều này, có người thì cảm giác như bước hụt chân, bàng hoàng, cũng có người không hề cảm giác gì. Đặc biệt, người đang ngủ khi có nhịp đập sớm của tim thường có cảm giác rơi tự do hoặc ngã từ trên cao xuống. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt đuối, hụt hơi, khó ngủ khi ngoại tâm thu xuất hiện thường xuyên, thỉnh thoảng có thể đau ngực bên trái. Khi thấy tim có ba cảm giác: hụt hẫng, dừng, rồi đập mạnh, nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tìm nguyên nhân. Có nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu như: bệnh tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh bướu tuyến giáp, thiếu kali… Các bác sĩ sẽ theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân chính gây bệnh để điều trị tận gốc.
– Rối loạn hệ thần kinh thực vật (RLTKTV) cũng gây triệu chứng hụt hơi, hồi hộp, choáng váng, cảm giác như tim đập loạn nhịp, nhưng khi đi khám thì tim hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân gây rối loạn thường do căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc lá… Đây là bệnh có thể phòng tránh dễ dàng bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh hoặc bệnh sẽ tự động rút lui khi bệnh nhân thay đổi lối sống, đi nghỉ dưỡng tại nơi không khí thoáng mát và vui sống. Trong trường hợp nặng hơn, cần đến bác sĩ tim mạch để được điều trị.
Ảnh minh họa: internet
Để tìm bệnh, các bác sĩ sẽ cho đo điện tâm đồ, chụp Xquang tim phổi, siêu âm tim. Trong trường hợp vẫn không tìm ra nguyên nhân sẽ chụp CT tim đa lát cắt để xem có bệnh lý mạch vành hay chụp CT động mạch xem có thuyên tắc động mạch phổi không, nhất là những người có tiền sử thuyên tắc tĩnh mạch sâu.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp CT mà vẫn không tìm thấy nguyên nhân thì tạm gọi là RLTKTV. RLTKTV thường xảy ra ở những người lo lắng.
– Trầm cảm là bệnh khó nhận diện vì cùng với cảm giác hụt hơi, người bị trầm cảm còn có nhiều triệu chứng khác. BS Trần Duy Tâm – Trung tâm Sức khỏe Tâm thần TP.HCM cho biết: “Có hai triệu chứng chính: thứ nhất: buồn, lúc nào cũng ủ dột…; thứ nhì: mất hứng thú, ví dụ trước đây thích mua sắm, đi ăn, nghe nhạc, nay không còn ham thích. Cả hai triệu chứng này diễn ra suốt ngày, và kéo dài trong vòng hai tuần”. Bên cạnh đó, bệnh nhân trầm cảm còn các triệu chứng khác như: mất ngủ (khó vào giấc ngủ, đang ngủ tỉnh dậy, thức giấc sớm, mệt mỏi vào buổi sáng, chán ăn, sút cân (trong vòng hai tuần mất 5% cân nặng), rối loạn vận động: ít di chuyển, chậm chạp, tự đánh giá thấp bản thân, có ý tưởng tội lỗi, chán sống, muốn chết và kết thúc bằng hành vi tự sát…
– Lo âu là tình trạng bệnh nhân có tâm lý: luôn lo sợ, cho rằng có một điềm xấu đang tới; về cơ thể: ngoài cảm giác hụt hơi còn có dấu hiệu tim đập nhanh, hồi hộp, dễ nổi nóng, chóng mặt, khó ngủ, cảm giác có cục gì đó trong cổ họng…
Những dấu hiệu nêu trên báo hiệu bệnh nhân đã bị lo âu cấp, mãn tính, cần có sự chẩn đoán chính xác từ bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
Khi thấy người thân, nhất là phụ nữ sau khi sinh, người thân bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm khớp, ung thư… có triệu chứng trầm cảm, cần đưa đi khám. Những bệnh nhân này cần có ý kiến của bác sĩ tâm thần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Theo PhunuOnline