Ẩn sau những lợi thế thấy ngay của giày cao gót là những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe và tình dục.
1. Lãnh cảm.
Nghe thì có vẻ chẳng liên quan, nhưng một nghiên cứu do các chuyên gia châu Âu thực hiện cho thấy giày cao gót gây nên những ảnh hưởng xấu đến khung xương chậu, chi phối hoạt động của hệ thống niệu sinh dục, dẫn đến việc có thể bị lãnh cảm vì máu lưu thông không đều đến khu vực này.
Một khả năng khác là, giày cao gót khiến khung xương chậu bị nghiêng sang một bên, đau bụng kinh và giảm khả năng thụ thai
2. Cản trở lưu thông máu
Một đôi giày gót cao và chật là thủ phạm hàng đầu gây nên tình trạng khó lưu thông máu lên não, nếu kéo dài sẽ dẫn đến cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
3. Đau chân
Đau mỏi chân là cảm giác thường thấy nhất khi đi giày cao gót quá lâu, do các cơ chân cũng như các dây thần kinh nơi đây bị kéo căng, chèn ép. Hơn thế, đôi chân phải gánh vác nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể nhưng lại bị “cầm tù” trong không gian chật chội và không bằng phẳng của giày cao gót.
4. Vẹo cột sống
Những người đi giày cao gót trên 5 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc các bệnh về cột sống cao gấp 3 lần so với những người bình thường khác do cơ thể không giữ được trạng thái thăng bằng khi mang giày cao gót, đồng nghĩa với việc cột sống trở nên yếu, dễ bị lão hoá, đau nhức, lâu ngày sẽ dẫn đến vẹo cột sống.
5. Tăng nguy cơ viêm khớp mãn tính
Theo giáo sư Kerrigan – thuộc trường đại học y khoa Harvard thì những phụ nữ có thói quen mang giày cao gót có gấp đôi nguy cơ mắc chứng viêm khớp mãn tính so với những phụ nữ không có thói quen này.
Khi mang giày cao gót, các cơ đùi phải hoạt động, làm nhiều, tăng sức ép cho khớp gối. Nếu đi giày gót cao hơn 2 cm thì trọng lượng cơ thể sẽ tăng 22% còn nếu giày cao gót cao hơn 5 cm thì trọng lượng cơ thể dồn nén lên đôi chân tăng 57%.
6. Với đôi bàn chân
Viêm tấy các kẽ ngón chân, chai chân, sưng chân, xương bàn chân biến dạng… là những rắc rối có thể viếng thăm bạn bất cứ lúc nào, nếu bạn là một “tín đồ” của giày cao gót.
Trên thực tế có đến 90% bệnh nhân viêm sưng tấy ngón chân tương đương khoảng 800.000 ca mỗi năm là do thói quen mang giày cao gót gây nên:
+ Chăm sóc chân sau khi mang giày cao gót
+ Nên đi chân trần sau khi mang giày cao gót
+ Ngâm chân bằng nước ấm hoặc nước lạnh
Mát xa chân bằng các loại tinh dầu để xoa dịu tình trạng stress của đôi bàn chân, mang lại cảm giác dễ chịu, kích thích máu lưu thông, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Chọn giày cao gót
Kích cỡ: Tuyệt đối không chọn đôi giày có kích cỡ quá nhỏ so với kích cỡ đôi chân, sẽ gây nên cảm giác đau đớn, khó chịu. Nhưng cũng không nên chọn đôi giày quá lớn so với kích cỡ chân vì sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi di chuyển.
Tối đa 5 cm: Nếu muốn chọn giày cao gót cao hơn nên chọn loại được thiết kế chiều cao tăng cả ở phần mũi giày, hạn chế sự chênh lệch chiều cao giữa gót giày và mũi giày.
Chất liệu mềm như da tự nhiên hoặc cao su… tạo cảm giác dễ chịu, mềm mại khi diện giày.
Phụ nữ mang thai không nên mang giày cao gót vì sự an nguy của mẹ và bé.
Chỉ nên mang chúng vào những dịp đặc biệt như lễ hội, dạ tiệc… Càng hạn chế thời gian mang giày cao gót thì càng giảm thiểu những tác động của giày cao gót với sức khỏe.
Theo Dân Việt