Cây còn có tên là rau lúi, khám khom, kim thất, đái dầm, thiên hắc địa hồng… Dân gian thường dùng bầu đất để chữa đái són, tiểu không tự chủ, đái buốt, đái dầm, kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lỵ và các bệnh về thận.
Bầu đất là loại cây nhỏ có nhiều cành, thân nhẵn. Lá hình trứng tròn hoặc tù ở đáy, nhọn ở đầu, mọc so le. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới có màu đỏ tím nên có tên thiên hắc địa hồng. Cây này thường mọc hoang ở nhiều nơi và được trồng, dùng toàn cây làm thuốc. Có thể dùng rau bầu đất nấu canh ăn, hay sắc uống, phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng có thể tới 80 g.
Một số bài thuốc Nam thường dùng:
– Phụ nữ viêm bàng quang mạn tính: Rau bầu đất nấu canh ăn, hoặc sắc nước uống với bột thổ tam thất và ý dĩ sao, cả hai vị bằng nhau, mỗi lần 10-15 g, ngày uống 2 lần.
– Chữa đau mắt: Lá bầu đất rửa sạch, thêm vài hạt muối, giã nhỏ đắp lên mắt đau.
– Chữa lỵ: Bầu đất 30 g, rau sam 30 g. Nấu canh ăn ngày 1-2 lần.
– Chữa viêm đường tiết niệu (đái buốt, đái dắt): Bầu đất 30 g, mã đề 20 g, râu ngô 20 g. Sắc uống ngày một thang.
– Trẻ em đái dầm: Bầu đất 20 g, nấu canh ăn hàng ngày. Nên ăn vào buổi trưa. Các buổi tối nên hạn chế ăn canh, uống nhiều nước.
– Khí hư, bạch đới: Bầu đất 20 g, rễ củ gai sao vàng 16 g, cỏ xước 16 g, kim ngân hoa 12 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Theo SKDS