Trầm cảm sau sinh là bệnh mô tả một loạt những biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất, xảy ra với một số sản phụ trong thời kỳ hậu sản. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh và có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào.
Hắt hủi con vì trầm cảm
Trường hợp của chị Chu Thị Huệ ở Ba Vì, Hà Nội là một điển hình về chứng trầm cảm sau sinh. Một lần sảy thai sau 3 năm mòn mỏi chờ đợi, chị có bầu và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Vậy nhưng, giữa lúc hạnh phúc tràn ngập thì chị Huệ có những triệu chứng bất thường về tâm lý. Người đờ đẫn như mất hồn, chỉ ngồi một chỗ không nói năng gì với ai, ý thức làm việc biến mất, thỉnh thoảng còn gào thét, đạp phá đồ đạc, không cho con bú thậm chí còn có những hành vi xâm hại con mình. Thấy dấu hiệu bệnh nặng, gia đình đưa chị đi khám thần kinh và theo dõi. Bác sĩ kết luận chị mắc chứng trầm cảm sau sinh vì không điều trị kịp thời dẫn tới chứng rối loạn tinh thần. Việc chữa trị giờ đây rất mất thời gian dài và phải kết hợp trị liệu nhiều phương pháp tâm lý. Nhưng gia đình chồng vội vàng đưa chị về và hậu quả là chị cầm dao sát hại con dẫn đến cái chết của cháu bé.
Còn chị Lê Thị Lệ ở Thanh Hóa đã có một con trai, khi sinh cô con gái thứ hai chị rất đỗi vui mừng vì đã “có nếp có tẻ”. Nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khi chị “nằm ổ” tất cả mọi lo toan dồn hết lên vai chồng. Vài ngày sau khi sinh, chị đã phải tự làm một số việc, rồi chị bỗng nhiên có dấu hiệu hay cáu gắt một cách vô cớ với mọi người và con hắt hủi cả con nhỏ. Từ đó chị không cho con bú cũng không bế con, thậm chí mọi người đưa con đến gần chị còn đẩy ra với vẻ tức giận. Gia đình thấy lạ liền đưa chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khám. Tại đây bác sĩ kết luận, chị mắc trầm cảm sau sinh và yêu cầu bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Chị Lệ ở viện chữa bệnh suốt mấy tháng cháu bé không được bú một giọt sữa mẹ.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Xinh ở Thanh Trì lấy chồng được gần 3 năm, sinh cậu con trai đầu lòng, được cả gia đình tận tình chăm sóc. Sau khi sinh được hai tuần, tâm trạng chị trở nên buồn chán, không muốn nói chuyện cũng không tiếp xúc với ai. Chị mất dần nhận thức, từ người mẹ cưng nựng, ôm ấp con hàng ngày chị tránh né con, không cho con bú sữa mẹ, thỉnh thoảng lại có những lời chửi mắng với đứa trẻ non nớt. Chị nằm lì một góc giường, con khóc, con quấy chị mặc kệ. Vợ chồng nảy sinh những xung đột vì chị hay rơi vào trạng thái quá khích. Gia đình đưa chị đến bệnh viện khám thì bác sỹ kết luận chị bị trầm cảm sau sinh dẫn đến rối loạn tâm thần. Phải mất nửa năm điều trị, chị mới cho con bú trở lại.
Nguy hiểm vì không kiểm soát được hành vi
Không riêng chị Huệ, chị Lệ, chị Xinh rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con rơi vào trạng thái stress, hay cáu gắt vô cớ, bỏ mặc không cho con bú hoặc có những hành vi làm hại con.
Trầm cảm sau sinh là bệnh mô tả một loạt những biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất, xảy ra với một số sản phụ trong thời kỳ hậu sản. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh và có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào. Tùy từng trường hợp, bệnh có thể giảm dần trong trong một khoảng thời gian ngắn, những cũng có không ít sản phụ phải mất thời gian điều trị khá dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chị em sau khi sinh rơi vào tình trạng stress nặng. Từ việc không được quan tâm chăm sóc, chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng làm mẹ, hoàn cảnh khó khăn hoặc đã từng bị sảy thai, đến nguyên do gia đình có người có tiền sử về thần kinh… Chính những căng thẳng, bế tắc kéo dài khiến người phụ nữ không thể kiểm soát hành vi của mình nên có thể làm hại con và làm hại cả chồng.
Sau khi “vượt cạn” một số bà mẹ mắc chứng trầm cảm nhẹ thường chỉ có tâm trạng đau buồn, suy sụp, tự ti. Nhưng cũng có một số trường hợp biểu hiện mức độ nguy hiểm như có ý tưởng muốn tự sát hoặc những hành động sát hại chính con mình. Bởi khi mắc trầm cảm người mẹ mất khả năng chăm sóc trẻ an toàn không điều trị kịp thời diễn biến bệnh càng xấu hơn, không kiểm soát được hành vi.
BS Nguyễn Minh Tuấn – Phó giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai) cho biết: “Những người thần kinh yếu, kém sức chịu đựng, kém lý trí dễ rơi vào khủng hoảng, stress hơn vì họ sống ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, những người này nếu không tìm được cách giải quyết rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật”.
Khi có sự căng thẳng trong cuộc sống, cần tìm đến bác sĩ giải tỏa để không lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Để điều trị, ngoài việc phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý liệu pháp, các thành viên trong gia đình cần tạo ra một bầu không khí chan hòa tình cảm, cùng nhau chăm chút cho em bé mới chào đời để người mẹ cảm thấy yên tâm, không bị cảm giác tủi thân, lo lắng.
Các chuyên gia khuyến cáo: Nếu có dấu hiệu bất thường về tâm lý thì đừng cố gắng chống lại hiện tượng mệt mỏi này mà hãy nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều càng tốt; chuẩn bị “bước đệm” khi sinh con để có kiến thức cơ bản về cách chăm sóc bé từ việc bế, tắm đến cho bé ăn; nghỉ ngơi thoải mái, chỉ làm việc nhẹ nhàng và tuyệt đối không gây ra cú sốc tâm lý lớn; gia đình cần quan tâm chăm sóc cho sản phụ.
Theo afamily