Các triệu chứng của hen phế quản

Các triệu chứng của hen phế quản thì biểu hiện khác nhau ở mỗi người và trên cùng một người chúng cũng biểu hiện khác nhau tùy theo từng thời điểm.

BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH HEN PHẾ QUẢN:

Hen phế quản làm hẹp đường thở, và ảnh hưởng đến việc di chuyển không khí vào và ra phổi. Hen phế quản chỉ ảnh hưởng đến phế quản mà không ảnh hưởng đến phế nang và mô phổi. Hiện tượng chích hẹp phế quản là do ba yếu tố chính: viêm, co thắt phế quản và phản ứng quá mức.

  • Viêm: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của hẹp lòng phế quản là hiện tượng viêm. Phế quản sẽ bị đỏ, kích thích, phù. Phản ứng viêm xuất hiện là để đáp ứng đối với sự hiện diện của các tác nhân dị ứng hoặc chất kích thích. Phản ứng viêm là do tác động của các hóa chất trung gian như histamine, leukotrienes, và các chất khác. Các mô bị viêm sẽ tiết ra quá mức các chất nhầy vào trong lòng phế quản. Các chất nhầy sẽ kết hợp với nhau để tạo thành những nút nhầy có thể làm nghẹt các phế quản nhỏ (tiểu phế quản). Các tế bào viêm sẽ đến tích tụ và làm tổn thương mô tế bào. Các tế bào bị tổn thương sau đó sẽ bị bong tróc vào bên trong và góp phần gây nên hiện tượng hẹp đường thở.
  • Co thắt phế quản: Cơ bao bọc xung quanh phế quản bị co thắt trong cơn hen phế quản. Hiện tượng co thắt các cơ ở đường thở được gọi là co thắt phế quản. Hiện tượng co thắt phế quản làm cho đường thở càng bị hẹp hơn. Các hóa chất trung gian và dây thần kinh đã làm cho các cơ này co thắt lại.
  • Phản ứng quá mức (Quá mẫn cảm): Ở bệnh nhân bị hen phế quản, đường thở bị co thắt và viêm mạn tính trở nên nhạy cảm hơn, phản ứng mạnh hơn đối với các tác nhân gây dị ứng, chất kích thích, nhiễm trùng. Việc tiếp xúc với các tác nhân này có thể làm cho đường thở bị viêm và hẹp nhiều hơn.

Sự phối hợp của các yếu tố trên gây nên hiện tượng khó thở ở thì thở ra. Kết quả là không khí cần phải được thở ra thật mạnh để có thể đi qua chổ hẹp, do đó tạo nên tiếng khò khè hay tiếng rít.. Người bị hen phế quản thường bị ho để có thể tống các nút nhầy trong phế quản ra ngoài. Sự suy giảm lưu thông không khí làm cho ít ôxy đi vào trong máu, và nếu nặng thì có thể khí carbonic (CO2) sẽ tích tụ nguy hiểm trong máu.

Tầm quan trọng của hiện tượng viêm?

Viêm hay phù là một đáp ứng bình thường của cơ thể đối với hiện tượng chấn thương hoặc nhiễm trùng. Dòng máu và các tế bào viêm đổ dồn về vùng đang bị ảnh hưởng. Quá trình chữa lành vết thương bắt đầu. Khi quá trình chữa lành vết thương hoàn tất thì phản ứng viêm sẽ lắng xuống. Đôi khi quá trình chữa lành vết thương gây nên sẹo. Tuy nhiên, vấn đề trung tâm trong hen phế quản là quá trình viêm không thể tự nó giải quyết được vấn đề. Trong khoảng thời gian ngắn thì nó sẽ gây ra các cơn hen phế quản tái diễn. Về lâu dài thì quá trình viêm có thể làm cho thành phế quản bị dầy lên và được gọi là hiện tượng tái cấu trúc phế quản. Nếu điều này xuất hiện thì hiện tượng hẹp lòng phế quản sẽ trở nên không hồi phục và kém đáp ứng với thuốc. Do đó, mục đích điều trị hen phế quản là: (1) Về ngắn hạn là kiểm soát hiện tượng viêm để làm giảm phản ứng của phế quản và (2) Về lâu dài là ngăn chặn hiện tượng tái cấu trúc ở phế quản.

hen1 Các triệu chứng của hen phế quản

CÁC TRIỆU TRỨNG CỦA HEN PHẾ QUẢN:

Các triệu chứng của hen phế quản thì biểu hiện khác nhau ở mỗi người và trên cùng một người chúng cũng biểu hiện khác nhau tùy theo từng thời điểm. Điều quan trọng cần nhớ là phần nhiều trong số các triệu chứng này thì chỉ biểu hiện phảng phất và có thể tương tự với các bệnh lý khác. Tất cả các triệu chứng được đề cập dưới đây có thể gặp ở các bệnh lý hô hấp và thỉnh thoảng có thể gặp ở những bệnh lý tại tim.

Sau đây là 4 triệu chứng thường thấy nhất:

  • Thở nhanh (Thở ngắn):Đặc biệt là có kèm gắng sức hoặc vào buổi tối.
  • Thở khò khè:nghe có tiếng rít khi thở ra
  • Ho:Có thể kéo dài, thường nhiều vào ban đêm và sáng sớm, có thể xuất hiện sau khi tập thể dục, hoặc khi tiếp xúc với không khí lạnh và khô.
  • Nặng ngực:Có thể xuất hiện đi kèm hoặc không đi kèm với các triệu chứng trên.

Hen phế quản được phân loại dựa vào tần suất và độ nặng của triệu chứng, hay của cơn hen phế quản, và dựa vào kết quả xét nghiệm chức năng phổi:

  • 30% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ nhẹ, không liên tục (ít hơn 2 đợt hen trong một tuần) và những xét nghiệm về chức năng thở bình thường.
  • 30% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ nhẹ, dai dẳng (2 đợt hay nhiều hơn trong một tuần) và chức năng thở bình thường hoặc bất thường.
  • 40% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ từ trung bình đến nặng, dai dẳng (mỗi ngày hoặc liên tục) và chức năng thở bất thường.

Cơn hen phế quản cấp tính là gì?

Cơn hen phế quản cấp tính (hay đột ngột) thường do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng hoặc nhiễm trùng hô hấp trên. Độ nặng của cơn hen tùy thuộc vào việc cơn hen của bạn được kiểm soát tốt như thế nào (điều này phản ánh tình trạng viêm đường hô hấp được kiểm soát tốt như thế nào). Cơn hen phế quản cấp tính có thể đe dọa mạng sống bởi vì nó có thể tiếp tục diễn tiến dù cho có sử dụng thuốc tác dụng nhanh (thuốc dãn phế quản dạng hít). Hen phế quản không đáp ứng với điều trị bằng đường hít thì nên được theo dõi chặt chẽ tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Các cơn hen phế quản không tự dừng lại khi không được điều trị. Nếu bạn bỏ qua các triệu chứng cảnh báo sớm (tiền triệu) thì có nghĩa là bạn tự đặt mình vào nguy cơ bị khởi phát “trạng thái suyễn” (status asthmaticus).

Các cơn hen phế quản kéo dài không đáp ứng điều trị với thuốc dãn phế quản là một cấp cứu nội khoa. Bác sĩ lâm sàng gọi các cơn hen nặng này là “trạng thái suyễn” và cần được săn sóc khẩn cấp.

Các triệu chứng của hen phế quản nặng là:

  • Ho dai dẳng
  • Không có khả năng nói thành câu hoàn chỉnh
  • Không thể đi bộ mà không bị thở nhanh.
  • Ngực cảm thấy bị bóp chặt
  • Môi có thể xanh tái
  • Cảm thấy hồi hộp, không có khả năng tập trung.
  • Bạn có thể khom vai, ngồi hoặc đứng để có thể thở dễ dàng hơn.
  • Các cơ vùng bụng và cổ co kéo. Đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy hô hấp.

Vào thời điểm này thì các thuốc dãn phế quản đường hít khó có thể giúp hồi phục. Thông khí cơ học (thở máy) có thể cần thiết để trợ giúp cho các cơ hô hấp. Có thể điều trị bằng mặt nạ dưỡng khí hoặc đặt ống nội khí quản qua đường miệng hoặc mũi. Việc trợ giúp hô hấp này chỉ là tạm thời và được sẽ được tháo bỏ một khi cơn hen dịu đi và phổi hồi phục đầy đủ để có thể tiếp tục thực hiện chức năng hô hấp của nó. Việc nằm viện ngắn hạn trong khoa săn sóc tăng cường có thể là hậu quả của một cơn hen nặng mà không được điều trị kịp thời. Để tránh những trường hợp nhập viện như thế, tốt nhất là khi triệu chứng khởi phát thì bắt đầu điều trị ngay lập tức tại nhà hoặc tại phòng mạch bác sĩ.

Sự xuất hiện các triệu chứng ho và thở khò khè không phải là một tiêu chuẩn đáng tin cậy để đánh giá độ nặng của cơn hen phế quản. Những cơn hen rất nặng có thể gây tắc nghẽn đường thở làm cho không khí không thể đi vào hay ra khỏi phổi và do đó không tạo nên tiếng thở khò khè hay ho.

CHUẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT BỆNH HEN PHẾ QUẢN:

Bệnh hen cần phân biệt với một vài bệnh sau:

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường khởi phát muộn sau 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc nhiều năm hoặc tiếp xúc với bụi khói, nhưng không có tiền sử gia đình bị hen, không có tiền sử dị ứng. Bệnh nhân có ho khạc mạn tính, khó thở khi gắng sức, đôi khi có khó thở thành cơn, có rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục.

Hen tim: bệnh nhân có hẹp van hai lá, hở động mạch chủ, suy tim trái. Triệu chứng: khó thở về đêm, nghe phổi có ran rít, ran ngáy, ran ẩm, đờm bọt hồng; chụp Xquang thấy hình ảnh tổn thương phổi tim; điều trị bằng thuốc lợi tiểu, chống suy tim thì đỡ khó thở.

Biến chứng: Hen có thể gây các biến chứng cấp tính là hen ác tính, tâm phế cấp, tràn khí màng phổi và biến chứng mạn tính gồm khí phế thũng, biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn, tâm phế mạn.

Theo Camnangbenh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *