Biến chứng và phương pháp điều trị bệnh phong

Phát hiện sớm được bệnh rất quan trọng, bởi vì việc chữa trị sớm có thể hạn chế rất nhiều tổn thương cho cơ thể, trả lại cho bệnh nhân một cơ thể không có nhiễm trùng và một cuộc sống bình thường.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH PHONG:

Đối với bệnh phong thì khó phân biệt các biến chứng với tiến triển tự nhiên của bệnh. Bản thân vi khuẩn phong không gây độc cho tổ chức và cũng không tạo ra được độc tố nào, tuy nhiên trong bệnh phong thể u nặng thì có nhiều biên chứng do sự lan toả của vi khuẩn phong trong các tổ chức. Các biến chứng này bao gồm:

1. Biến chứng do sự xâm nhập, lan toả của vi khuẩn phong vào các tổ  chức:

Các biến chứng này chỉ gặp ở bệnh nhân phong thể nhiều vi khuẩn bao gồm viêm mũi, viêm họng, viêm củng mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến lệ, viêm đốt ngón, teo tinh hoàn, sưng hạch và bệnh lý cơ. Sự hiện diện của vi khuẩn phong trong các tổ chức bị bệnh gắn liền với tình trạng viêm cấp của các đợt phản ứng phong loại

2. Biến chứng do phản ứng phong:

Phản ứng phong là sự xuất hiện các triệu chứng và dấu chứng của tình trạng viêm cấp ở các tổn thương của bệnh nhân phong. Đối với tổn thương da là đỏ, sưng và đôi khi nhạy cảm. Đối với thần kinh là sưng, đau, nhạy cảm, mất chức năng thường đi kèm. Thương tổn mới có thể xuất hiện. Nhiều triệu chứng xảy ra trong bệnh phong là do phản ứng phong, bao gồm tất cả những triệu chứng cấp tính, mà triệu chứng này đã thúc ép bệnh nhân đến khám. Mặc dù tổn thương có thể nặng và không hồi phục, nhất là tổn thương mắt và thần kinh, thì vấn đề quan trọng là phát hiện phản ứng sớm và điều trị cẩn thận. Phản ứng biểu hiện các đợt quá mẫn cấp tính với kháng nguyên vi khuẩn phong thông qua rối loạn cân bằng miễn dịch vốn có. Có hai loại phản ứng phong: loại 1 liên quan với quá mẫn qua trung gian tế bào, loại 2 liên quan với phức hợp miễn dịch. Ngoài ra còn có hiện tượng Lucio mà bệnh sinh của nó ít được hiểu rõ, liên quan đến hoại tử các tiểu động mạch do vi khuẩn phong xâm nhập vào nội mô các mạch máu này.

phong1 Biến chứng và phương pháp điều trị bệnh phong

3. Biến chứng do suy giảm miễn dịch:

Các biến chứng do sự nhân lên của vi khuẩn và do phản ứng phong là do suy giảm miễn dịch thì vẫn đang còn tranh cãi. Tuy nhiên có hai biến chứng là nhiễm khuẩn thì phát và thoái hoá bột (amyloidosis). Viêm thận ở bệnh nhân phong thường gặp là do lắng đọng phức hợp miễn dịch hơn là do nhiễm liên cầu hay các nhiễm khuẩn khác. Thoái hoá bột cũng xảy ra trong phong u, đặt biệt là hậu quả của phản ứng loại 2. Thoái hoá bột cũng là biến chứng thường gặp của viêm mô tế bào thứ phát và viêm xương tuỷ xương, mà các tình trạng viêm này xảy ra sau loét gan chân không được dùng kháng sinh sớm.

4. Biến chứng của tổn thương thần kinh:

Ba chức năng sinh lý của thần kinh là cảm giác, vận động và tự động (thực vật), mà chúng có thể bị tác động ngang nhau sau khi bị tổn thương thần kinh. Nhưng thần kinh cảm giác thường bị tổn thương sớm nhất và nặng nhất. Sự tổn thương thần kinh thực vật không tương quan với tổn thương thần kinh khác mặc dù mất cảm giác nặng hầu như luôn luôn có mất tia mồ hôi và rối loạn vận mạch. Thường có mất cảm giác nặng và lan rộng nhưng ít hoặc không có yếu vận động. Hiếm hơn là có tổn thương vận động mà không có mất cảm giác. Tuy nhiên thường gặp nhất là tổn thương phối hợp của các loại thần kinh ở các mức độ khác nhau.

5. Biến chứng thứ phát xảy ra sau mất cảm giác, liệt và rối loạn chức năng thực vật:

Các  biến chứng này là quan trọng nhất trong các biến chứng muộn của bệnh phong mà các thầy thuốc rất  khó khăn để ngăn ngừa. Chúng gồm hoại tử tổ chức, loét gan chân, viêm mô tế bào thứ phát do vi khuẩn và viêm xương tuỷ xương, mất các  ngón bàn tay- bàn chân tiến triển.

6. Biến chứng do kháng thuốc:

Hầu hết kháng thuốc Dapsone là thứ phát, chiếm 15% bệnh nhân nhiều vi khuẩn điều trị đơn hoá Dapsone sau 5 – 20 năm. Trên lâm sàng kháng thuốc biểu hiện theo một trong hai cách sau: Hoặc là bệnh của bệnh nhân bắt đầu tiến triển theo kiểu phong u điển hình mặc dù đơn trị liệu được giám sát liên tục, hoặc là thường gặp hơn là các u phong mới xuất hiện rải rác trên bối cảnh bệnh đã hồi phục. Đôi khi tổn thương tái phát ở mắt hay thần kinh, giảm thị lực hay các triệu chứng của viêm mống mắt hoặc viêm thần kinh xuất hiện, hoặc có phản ứng phong. Hiếm hơn tổn thương tái phát là phong  thể BT.

ĐIỀU TRỊ BỆNH PHONG:

Dưới đây là các loại thuốc được dùng để điều trị phong :

  • Dapsone
  • Rifampin
  • Clofazimine
  • Ethionamide

Aspirin, prednisone, hoặc thalidomide dùng để kiểm soát tình trạng viêm (ví dụ viêm phong hồng ban dạng nút).

Tiên lượng:

Phát hiện sớm được bệnh rất quan trọng, bởi vì việc chữa trị sớm có thể hạn chế rất nhiều tổn thương cho cơ thể, trả lại cho bệnh nhân một cơ thể không có nhiễm trùng và một cuộc sống bình thường.

Lời khuyên của nhân viên y tế:

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn thấy mình có những triệu chứng kể trên, nhất là sau khi bạn nghi ngờ mình đã tiếp xúc với vi trùng gây bệnh Phong. Hiện nay mỗi quận, huyện đều có chương trình chống phong của Quốc gia. Nếu nghi mình bị phong bạn hãy đến khám bác sĩ hay đến những trung tâm chuyên khoa như bệnh viện da liễu.

Phòng bệnh:

Về phòng ngừa bệnh thì vaccin BCG và thuốc viên dapsone đã có một thời kỳ được dùng, nhưng công hiệu rất giới hạn nên hiện nay ít được áp dụng.

Hiện nay, bệnh chỉ xảy ra rất ít tại một số quốc gia chứ không là dịch như cúm. Bệnh lại rất khó lây lan, cho nên giới chức y tế khuyến cáo mọi người:

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng của bệnh nhân.

– Rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân.

– Hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân, diễn tiến của bệnh.

Bệnh phong không còn nguy hiểm nữa. Bệnh phong có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và bệnh nhân uống thuốc đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên sau khi điều trị, phong hết lây lan, nhưng thường để lại một vài di chứng cả về thể chất lẫn tâm thần cho nạn nhân. Họ còn cần được sự chăm sóc, giúp đỡ của xã hội, của mọi người trong việc phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi kinh tế xã hội và thay đổi hình ảnh người mắc bệnh phong trong cộng đồng. Họ xứng đáng được đối xử bình đẳng như những con người bình thường khác.

Theo Camnangbenh

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *